CHUYỆN HỢP LÝ

 CHUYỆN HỢP LÝ

Gã Khờ
Tay không lên thăm đứa em mới mổ ở bệnh viện. Chưa nóng chỗ nó đã dúi vào tay cho bọc nho Mỹ tím ngắt: “Anh cầm về ăn đi, người ta cho nhưng em mới mổ không ăn được”. Thằng khoẻ đi thăm đứa bệnh đã chẳng có gì lại còn xơi luôn cả chùm nho cúng. Kể ra cũng ái ngại, nhưng thấy... cũng hợp lý, vì sống phải biết thương kẻ ốm người đau chứ!
Bà cụ bán xôi đầu xóm chắt bóp mãi được chỉ vàng cũng nâng niu dâng cho cha: “Con gửi cha, cha đâu có làm gì ra tiền, mà lại trăm thứ phải lo, bao việc phải làm, cha đừng ngại, cầm đi cho con vui...”. Nhìn bà cụ rút chiếc nhẫn từ bàn tay lam lũ chai sạn nhăn nheo lòng cũng xót xa, nhưng thấy bà nói... cũng hợp lý, cũng phải vì niềm vui của nhau mà sống chứ!
Anh tư hớt tóc dạo gầy tong ôm con gà mái tơ lấp ló cửa sau: “Con biếu cha ăn lấy thơm lấy thảo. Để cha đói khổ rách rưới là chúng con mang tiếng lắm. Cha về với chúng con mà gầy đi thì xứ con mất mặt với các xứ khác”. Gẫm lại thấy có vẻ họ chăm sóc mình như kiểu nuôi heo nuôi chó trong nhà sợ giảm cân xuống ký mang tiếng “chó gầy hổ mặt người nuôi”. Nhưng thấy họ nói... cũng có lý. Thôi đành cố mà ăn để giữ uy tín cho họ.
Vừa được cung cấp quà cáp bổng lộc, vừa được cung cấp cho nhiều thứ luận điệu... rất ư là hợp lý. Nào là phải có tiền mới có thể tồn tại, phải có tiền để làm mục vụ, phải có tiền để làm việc bác ái, để cứu trợ người nghèo... nên dần dà “tay con nhỏ bé bao nhiêu cũng không vừa”.
Cứ như vậy, những câu chuyện hợp lý không dừng lại, mà tiếp tục mang tên chó, tên mèo, tên quần áo, dày dép, tiền bạc, xe cộ, cho đến những chuyến du lịch mang tên “hành hương”... Dần dần thần tài mê hoặc và chiếm ngự trọn vẹn tâm hồn. “Hai đồng xu của bà goá” chả nghĩa lý gì so với đồng 100 USD của Việt kiều. Vui vẻ niềm nở săn đón người giàu và miệt thị tránh né người nghèo là chuyện thường ngày ở ... "huyện". Được xứ to, cộng đoàn béo, sứ vụ mập thì hân hoan niềm nở; gặp xứ nhỏ, cộng đoàn xương, sứ vụ gầy thì ấm ức hậm hực...
Nhưng oái ăm hơn là khi sống trong những chuyện hợp lý như vậy thì người ta lại bắt đầu để ý đến những chuyện bất hợp lý. Có của ngon mà không dâng là bất thảo. Có tiền mà không cúng là bất hợp tác, thiếu tinh thần chung. Không chào hay không ưu tiên chỗ nhất là bất kính. Cha con, anh em xa nhau, xa cả Chúa cũng chỉ vì những chữ “bất” đó.
Có lần nghe anh em đùa bảo: “Mỗi lần bề trên đi giảng về là lại phải đè ra dạy lại”. Ngôn ngữ táo tợn đến chạnh lòng! Nhưng nghĩ lại thấy cũng đúng, nhiều khi đi ra ngoài được mọi người chăm bẵm quá đã về nhà quên mất anh em nó sắp chén bát thì mình cũng phải đứng lên đi lấy cơm, anh em nó rửa chén thì mình cũng phải biết điều đi cho chó ăn. Hợp lý là thằng nấu cơm, đứa bế em, đâu ra cái kiểu ăn xong rồi ngồi chờ người khác dâng tăm mời nước...
Phải dạy lại cũng là hợp lý!



Gã Khờ
Share on Google Plus

About IN LONG AN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét